Mô hình làm việc lai - xu hướng tất yếu của doanh nghiệp hậu COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách thức làm việc của mọi doanh nghiệp, theo đó, mô hình làm việc lai (hybid) được coi là xu thế tất yếu trong tương lai.

Xu thế tất yếu của tương lai

Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn và dịch vụ trực tuyến Hoxby với hơn 1000 nhân viên văn phòng tại Anh, hiệu quả từ mô hình làm việc lai - làm việc từ xa của nhân viên trong bối cảnh COVID-19 tăng 52% so với trước đây, điều này làm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thật sự ngạc nhiên.

Theo đó, có tới 2/3 số nhân viên khảo sát cho biết họ cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc từ xa do có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. 1/4 số người được khảo sát cho biết họ mong muốn được tiếp tục làm việc từ xa ít nhất nửa thời gian trong tuần sau khi kết thúc đại dịch COVID-19 và 12% tin rằng họ sẽ tiếp tục làm việc từ xa hoàn toàn.

Không chỉ từ phía các nhân viên, bản thân các lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng làm việc từ xa sẽ là "tương lai" của họ. Khảo sát chỉ ra 70% chủ doanh nghiệp và 78% lãnh đạo cấp cao đồng tình với quan điểm này. Thậm chí, có tới 1/3 lãnh đạo còn cho biết đang cân nhắc chuyển toàn bộ doanh nghiệp sang hình thức làm việc từ xa.

Cụ thể, Facebook cho biết, khoảng 50% nhân viên có thể làm việc từ xa trong 5 - 10 năm tới. Microsoft mới đây cũng cho phép nhân viên linh hoạt lựa chọn làm việc từ xa với thời lượng dưới 50% tổng thời lượng giờ làm việc.

Còn ở Việt Nam, theo số liệu từ ASUS Việt Nam, 75% doanh nghiệp Việt sẵn sàng làm việc từ xa trong đại dịch COVID-19. Được biết, có khoảng 82% doanh nghiệp đã ban hành chính sách làm việc linh động cho nhân viên và 66% nhân viên khẳng định chính sách làm việc linh hoạt đã được áp dụng tại nơi làm việc của họ.

Các yếu tố cần và đủ cho mô hình làm việc lai

Cũng theo nghiên cứu của ASUS Việt Nam, 31% doanh nghiệp lo lắng thiết bị máy tính hiện tại của nhân viên không đủ mạnh, làm giảm hiệu suất. Do đó, để có thể thích nghi với hình thức làm việc từ xa, nhân viên cần được trang bị những thiết bị làm việc hiện đại, phù hợp với những tiêu chuẩn và yêu cầu làm việc.

Bên cạnh đó, các thiết bị đó cần phải được trang bị các ứng dụng cộng tác, trao đổi, chia sẻ hiện đại, hỗ trợ cùng lúc các tính năng trao đổi thông tin, chia sẻ tài liệu, hình ảnh, video, họp trực tuyến, trình chiếu tài liệu, ghi âm cuộc họp, trao đổi thảo luận đa chiều.

Ngoài ra, yếu tố an toàn và bảo mật cung nên được chú trọng. Điều đó có nghĩa là các thiết bị sử dụng không chỉ cần triển khai những nền tảng và giải pháp bảo mật cho hệ thống mà còn cần tích hợp sẵn lá chắn bảo mật cao cấp, bao gồm tường lửa và các tính năng bảo vệ internet giúp ngăn chặn các loại virus, malware và ransomeware.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Trọng Thanh - Quản lý ngành hàng phần mềm Công ty Vi Tính Nguyên Kim - cho biết: “Thực tế cho thấy sau khi xuất hiện đại dịch COVID-19, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã quan tâm hơn rất nhiều đến bảo mật và an ninh mạng. Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn bình thường mới, họ có xu hướng trang bị cho doanh nghiệp mình những thiết bị máy tính xách tay được tích hợp sẵn các công cụ bảo mật và làm việc từ xa”.

Trích Báo Lao Động

Đánh giá
No